Một bạn trẻ ở Nam định tên Lâm Thị Hường đã chia sẽ tâm sự và những con đường lựa chọn, Người đã đưa tay đỡ Hường đứng dậy sau lần bị VẤP NGÃ.
-Cháu đồng ý.
-Vậy anh chị ký vào biên bản này.
…..
Hai vợ chồng trẻ bước ra khỏi tòa án, mỗi người mang một tâm sự riêng. Mỗi người nuôi một ý nghĩ riêng. Cả hai bước đi, mỗi người một ngả. Những bước đi vội vã như chạy trốn. Mặt họ cúi gằm xuống như không muốn nhìn ai.
Riêng Hường, người vợ trẻ mới 18 tuổi đời. Người phụ nữ chưa gột hết lớp ngây ngô của tuổi thiếu niên. Hường bước đi như chạy, nhưng không biết mình đang chạy trốn cái gì! Hường chỉ cảm thấy một sự tức giận đến nghẹn cổ. Hình như có cái gì đó gian trá, xảo quyệt trong vụ án li dị của hai vợ chồng Hường.
Thế là chấm hết một cuộc tình! Thế là sụp đổ một thần tượng!? Thần tượng có dáng dấp của diễn viên Hàn Quốc!
Nhìn bóng người thanh niên cúi đầu bước đi xa dần, xa dần … lòng Hường chợt dâng lên một nỗi đắng cay, một sự tức giận đến tột cùng. Người thanh niên đã làm con tim Hường rung động, xuyến xao. Người thanh niên đã đem đến cho Hường những cảm xúc ngất ngây của tình yêu tuổi mới lớn. Người thanh niên có nét đẹp trai cực kỳ, cách ăn mặc mo-đen cực kỳ … và cả lối ăn chơi điệu nghệ cực kỳ!
***
Rời quê mẹ miền Bắc, Hường vào Nam. Hành lý vỏn vẹn chỉ một giỏ xách quần áo thường mặc. Hường ra đi để chạy trốn một cuộc chia tay. Hường ra đi, tự tạo cho mình một cuộc sống mới. Tự lập, tự lực … tự do?!
Trong miền Nam, Hường có gia đình người chú họ. Hường đến xin tá túc những ngày đầu, lạ nước lạ cái.
Hường xin làm công nhân Amata. Dễ dàng, nhanh gọn.
Những ngày đầu lạ lẫm qua đi. Những ngỡ ngàng qua đi. Miền Nam đã bắt đầu quen thuộc với Hường. Nhà trọ đã hòa nhập được cuộc sống của Hường.
Miền Nam bây giờ là thực tế sống của Hường. Ở đây cuộc sống bon chen, vội vã. Xóm nhà trọ chứa nhiều loại người, khác hẳn với lúc trước Hường chỉ nghe nói đến. Đời sống ở nhà trọ cũng phức tạp, cũng chen chúc như chính khu nhà trọ ổ chuột.
Hường ở trọ chung với hai con bạn. Mỗi đứa một hoàn cảnh, một nỗi trăn trở. Nhưng cả ba đứa đều thoát ly gia đình. Đứa từ miền Bắc, đứa miền Trung vào Nam làm công nhân. Cả ba đứa bảo nhau sống tiết kiệm, dành dụm tiền lương ít ỏi để gửi về gia đình. Cả ba đứa vẫn sáng đi làm, chiều muộn mới về. Cửa nẻo khóa chặt, đồ đạc cất kỹ. Tối đến co rút vào trong phòng, thầm thì đọc kinh chung. Thỉnh thoảng mới hỏi thăm ‘nhà’ hàng xóm. Cả ba đứa đêm đêm nhỏ to tâm sự với nhau như chị em ruột …
Ba đứa: Hường béo, Bích già và Hà sẹo.
Rồi tháng ngày nhà trọ trôi đi. Con “Bích già” cuốn gói đi theo tiếng gọi tình yêu. Nó ra đi, chỉ nói một câu ngắn: “Tao đi lấy chồng”. Chồng nó ngoại đạo, đẹp trai, ga lăng cực kỳ. Con bé bị quyến rũ bởi cái dáng dấp huyền ảo của tình yêu. Nó theo chồng, bố mẹ không hay biết!
Căn phòng trong khu nhà trọ giờ còn hai đứa. Con “Hà sẹo” là đứa điềm đạm, nghiêm nghị và luôn luôn mặc cảm với vết sẹo bị phỏng trên má. Vết sẹo của nó là do Bố nó gây ra.
… Hôm ấy, bố nó say khướt, nửa đêm mới mò về nhà. Mẹ nó mở cửa, bị bố nó xô ngã. Con Hà vội chạy ra đỡ mẹ. Bố nó loạng choạng đi vào nhà, tay quơ phải cái bình thủy nước sôi. Bình đổ, nước văng tung tóe. Thế là con bé Hà lãnh nguyên một bình nước sôi vào mặt. Mặt nó bình thường khá xinh. Bây giờ vẫn còn xinh, nhưng vết sẹo phỏng làm má phải của nó biến dạng ít nhiều.
Nó không căm giận bố nó. Nó không trách móc số phận, nhan sắc của nó. Nhưng nó mặc cảm.
Nó lặng lẽ, tự ý bỏ quê Thanh Hóa vào Nam. Nó để lại sau lưng hình ảnh ông bố say sưa. Nó nén nhớ thương, bỏ lại người mẹ yếu đuối suốt đời nhẫn nhục vì chồng vì con. Nó bỏ làng quê yên bình đạo đức.
Nó rời xa quê, rời xa những buổi tối đọc kinh luân phiên trong xóm … Nhưng nó không bỏ không quên bổn phận hằng ngày với Chúa. Con bé rất đạo đức. Nó luôn nhắc cả ba đứa đi lễ Chúa nhật, nhắc đọc kinh tối trước khi ngủ … con bé Hà sẹo là thánh. Nó là thánh có ánh mắt buồn muôn thuở. Nó là thánh của ba đứa con gái ở chung phòng trọ.
Bây giờ chỉ còn hai đứa.
Con “Hường béo”, tự nó béo. Con Hường là chuyên gia ngủ ngày. Nó ngủ như ‘lợn’ nên nó cũng béo như lợn. Con Hường được cái tính thẳng thắn. Có gì nói vậy. Nó không thích nói dối, cũng không giận lâu. Con bé năng nổ, mau mắn. Hường có nước da trắng ngần của người Nam Định. Khuôn mặt hơi chữ điền khá là xinh.
Hường lớn tuổi hơn Bích và Hà, nên được làm chị cả. Hường lên kế hoạch sinh hoạt cho cả ba đứa. Hường hay tâm sự về cuộc tình đổ vỡ của mình cho hai con bé kia rút kinh nghiệm. Nhiều khi Hường còn dạy khôn hai đứa đôi điều.
Cả ba sống những ngày hòa thuận và bình yên nơi nhà trọ … Rồi con Bích già bỏ ra đi. Phòng trọ chỉ còn lại hai đứa. Chiều chiều vẫn ăn cơm chung. Bữa cơm nào cũng thanh đạm, chủ yếu là rau muống. Đêm đêm vẫn nhỏ to tâm sự, vẫn thì thầm khấn nguyện, đọc kinh chung.
Rồi con bé Hà xin làm thêm buổi tối. Nó muốn có nhiều tiền gửi về cho mẹ ở quê nghèo. muốn hai đứa em nó được ăn học cẩn thận. Nó muốn gia đình nó ngoài quê Thanh Hóa được ấm no. Hà xin vào phụ việc cho một quán ăn ở ngã ba Ty. Quán “Ngọc Anh”.
Quán ăn hay nhậu ở đây chỉ hoạt động vào buổi sáng sớm và chiều tối. Lúc công nhân đã tan sở về nhà là lúc các quán xá tấp nập hẳn lên. Hà làm chân rửa chén, lau nhà. Hà làm việc từ chiều đến nửa khuya. Mỗi tháng cũng kiếm thêm hơn hai triệu. Đôi khi nó còn mang đồ ăn về phòng trọ, giúp bữa cơm của hai đứa con gái xa nhà, xa quê.
Cậu út của quán ăn Ngọc Anh: mà Hà đến làm tên là Út An, rất quan tâm đến Hà. Mặc dù không yêu thương Hà, nhưng Út An vẫn tìm cách chăm sóc, khích lệ tinh thần Hà. Có lẽ nó xót xa cho vết sẹo trên khuôn mặt thánh của Hà nhiều hơn. Với Hà, Út An luôn giữ thái độ chừng mực, lịch sự.
Hà cảm thấy yên tâm khi làm hầu bếp cho quán ăn của gia đình cậu Út An. Nhiều lúc Hà cũng thấy xao xuyến trong lòng khi nghĩ về Út An. Hà thầm yêu Út tự bao giờ!? Nhưng Hà không dám mơ tiếp. Biết thân phận hẩm hiu của mình, biết nhan sắc bị tàn phá của mình, Hà tự đặt mình vào vị trí của một “ô-xin”.
Hà cố làm việc chăm chỉ, cẩn thận. Khuya đến, sau khi dọn dẹp xong, Hà lầm lũi về phòng trọ. Thân gái xa nhà, lủi thủi đạp chiếc xe cũ lạch cạch, nặng nề. Hà mong về nhà trọ, tắm rửa, hàn huyên với Hường vài câu, đọc kinh chung rồi lăn lên gường ngủ. Hai đứa con gái xa quê ngủ trong một góc của phòng trọ. Phòng trọ chật hẹp, hai đứa chỉ treo tượng Chịu Nạn trên đầu chỗ ngủ. Cái góc nhỏ vừa là chỗ ngủ, vừa là chỗ để đồ dùng cá nhân, vừa là chỗ để hai đứa đọc kinh tối sớm.
Cũng đã có lúc Hường nghĩ thầm: mình cũng phải tìm việc gì làm thêm, vừa có thêm tiền, vừa giết thời giờ rảnh rỗi một mình. Cứ khi tan ca làm, trở về phòng trọ một mình, Hường cảm thấy cô đơn lạ! Mệt mỏi thân xác. Mệt mỏi tinh thần. Hường suy nghĩ lung tung.
Hường nghĩ về ‘thằng chồng’. Bây giờ chắc nó đang hú hí với con nào, ở đâu đó ngoài miền Bắc?!
Hường nhớ da diết thằng ‘Cu Tí’ – đứa con trai của Hường. Thằng bé có lẽ không thể hình dung ra mẹ nó là ai!
Khi vợ chồng li dị, Hường mới 19 tuổi. Thằng cu tí mới chưa đầy 7 tháng. Bố nó được quyền nuôi dưỡng theo quyết định của tòa án. Hường chỉ được thăm con.
Giờ xa con, Hường nhớ con không lúc nào nguôi. Hường cảm thấy xót xa, ray rứt trong lòng. Không biết giờ này thằng bé ra sao? Bố nó có yêu thương nó không, hay lại giao phó cho ông bà nội nó, rồi … Hường không dám nghĩ xa hơn. Nước mắt nhớ con lại trào ra. Hường tức tưởi khóc một mình. Cô đơn quá! Trống vắng quá!
***
Khu nhà trọ ban ngày vắng vẻ, yên lặng đến ngột ngạt.
Chiều xuống, chỉ sau giờ tan ca, khu nhà trọ nào cũng bừng lên sức sống, nhộn nhịp tiếng người, tiếng xe.
Công nhân đi làm về. Phòng nào cũng có người. Họ tranh thủ tắm giặt, nấu nướng. Bọn công nhân con trai tụm năm tụm ba chơi ‘tiến lên’, tán gẫu chuyện yêu đương, chuyện bạn gái … Đám công nhân con gái hiền hơn. Họ lo dọn vệ sinh nhà cửa. Ai rảnh rỗi lắm thì tám chuyện với chị hàng xóm một lúc.
Cũng có những phòng trọ gần như cửa đóng suốt ngày. Cả những lúc đang giờ lên ca hay khi công nhân đã về phòng trọ. Thường khi họ là cặp vợ chồng công nhân mới cưới.
Nhiều phòng, đôi công nhân trẻ ‘góp gạo nấu cơm chung’, tự làm đám cưới tại chỗ, rồi đóng cửa phòng im ỉm để dành chút thời giờ quí báu bên nhau, tự do …
Hường quen dần cái cảnh sinh hoạt tại phòng trọ. Hường không còn cảm thấy khó chịu khi hình ảnh chung chạ cứ đập vài mắt Hường mỗi ngày.
Dần dà, Hường trở nên ít nói, trầm tư hơn. Nó sống co rút trong phòng. Chỉ mong con bé Hà làm thêm trở về, hai đứa mới mở miệng tâm sự với nhau …
Tuần trước, vợ chồng anh Thuật ở phòng bên cạnh dọn đi. Cứ như vợ anh Thuật nói, họ xin làm công nhân ở khu công nghiệp Bầu Xéo, dọn về ở với bố mẹ cho tiện.
Ngay hôm sau, phòng trọ của vợ chồng anh Thuật được một cô bé công nhân trẻ mướn. Khu nhà trọ vẫn kín chỗ. Cô bé công nhân vừa trẻ, vừa bé con. Con bé chắc chỉ 17, 18 tuổi. Nhỏ tí, gầy còm, xanh xao. Nó cũng làm công nhân cho Amata.
Hường tính bắt chuyện làm quen với nó. Nhưng tối về, nó đóng cửa im ỉm. Sáng dậy, nó khóa cửa đi sớm. Cả tuần lễ sau, Hường mới biết con bé tên Hằng Nga. Cái tên quá đẹp so với dáng dấp của con bé.
Một hôm, Hường tăng ca nên đi làm về muộn. Về phòng trọ, vô tình Hường nhìn thấy một thanh niên hé mở cửa phòng con bé Hằng Nga, bước vội vào rồi đóng vội cửa. Chuyện này ở các khu nhà trọ không phải là chuyện hiếm thấy. Nhưng với Hường, tự nhiên trong đầu quay quất những hình ảnh không hay.
Hường cảm thấy nóng bừng mặt, tim đập mạnh, tay chân run lên. Một cảm giác quái lạ gặm nhấm đầu óc Hường. Hường cố xua đuổi, cố gạt đi những cảm giác, những tưởng tượng kỳ lạ ấy. Hường vội vào phòng, đi tắm. Ca nước lạnh làm Hường tỉnh lại ít nhiều. Phức tạp quá!
Một hôm, đã khuya lắm rồi, con bé Hà chưa về. Hường chờ mãi! Lòng dạ áy náy, nôn nao. Hường quyết định đến quán tìm con bé. Không biết nó làm gì mà giờ này chưa về?! Hay có chuyện chẳng lành?!
Hường khoác vội chiếc áo gió, cột lại mớ tóc lòa xòa. Hường lấy xe đạp, đạp như bay đến quán Ngọc Anh. Quán vẫn còn vài ba người khách ngồi ở bàn giữa, họ đang nhậu. Giọng nói đã lè nhè. Mấy cái đầu đã gât gù … Họ say lắm rồi!
Hường bước vào, vừa lúc con bé Hà bưng mấy cái tô ra úp vào giá.
Hà ngạc nhiên, gọi Hường:
-Hường! Mày đi đâu mà đến đây giờ này?
Hường nôn nóng trả lời:
-Khuya rồi, mày chưa về, tao sốt ruột đi tìm mày.
-Hôm nay nhiều khách, tao rửa chén bát giờ mới xong.
Rồi bé Hà lôi Hường vào trong bếp, hai đứa thì thầm to nhỏ:
-Tí nữa về tao kể cho mày nghe!
-Có chuyện gì hả?
-Ừ! Tí về nhà trọ đã!
Trên đường về, con bé Hà không giữ nổi yên lặng, nó kể ngay cho Hường nghe chuyện mấy thằng thanh niên ‘đầu gấu’ đến tìm ‘anh Út An’. Hường dửng dưng, nhưng con bé Hà tỏ ra lo lắng, nó nói tiếp:
-Anh Út không biết làm gì mà bọn đầu gấu đến tìm, anh phải trốn đi, giờ này cũng chưa thấy về.
-Mày lo xa!? Việc gì mà phải rối?! Can gì đến mày! Mày cứ lo thu dọn xong rồi về.
-Nhưng tao thấy sao sao ấy! Tao thấy anh Út có vẻ hốt hoảng lắm. Đang làm, bỏ vội đi, chỉ kịp dặn tao: “Đừng nói cho ai biết anh đi đâu”. Tao hồi hộp quá!
-Mày chỉ … Cứ tỉnh bơ đi! Chẳng việc gì đến mày.
-Nhưng nhỡ mẹ anh Út hỏi tao phải nói làm sao?!
-Thì mày cứ bảo mày không biết!
Thực sự rốt cuộc hai đứa vẫn chẳng biết tại sao bọn du đảng lại đến tìm Út An.
Rồi câu chuyện lại lắng xuống đáy giấc ngủ say, sau một ngày mệt nhọc.
***
Út An, con chủ quán thiếu nợ bọn ‘cá độ’. Mấy thằng này cũng là bạn của Út An. Tụi nó ăn thua độ đá gà. Út An thua nên phải chung tiền cho tụi nó. Không có tiền, chúng đến nhà hạch tội. Trốn nợ, chúng tìm cho ra. Có gì lấy nấy. Chúng xiết xe, quần áo … chúng không từ món gì cả. Út An cũng đã từng làm trò ‘xiết nợ’ với nhiều đứa khác. Bây giờ tới lượt Út An. Chỉ có hai đứa con gái quê thật thà này là không biết.
Mấy tuần sau, tối muộn Út An mới dám lén về nhà xin tiền mẹ. Vốn nó đã gầy sẵn, giờ càng gầy. Người nó quắt lại còn được một dúm. Nhìn dáng vẻ vừa gầy vừa thiểu não của Út An, bỗng Hà cảm thấy thương thương.
Tối hôm đó, Hà nhắn tin cho Hường đến quán rửa chén phụ nó. Hai đứa làm thì công việc mau hết. Hai đứa nó định xong sớm, về nhà trọ đọc kinh giỗ cho bà ngoại của Hà.
Hường đến quán, con bé Hà dẫn Hường ra nhà trước chào ông bà Phúc, chủ quán. Nhìn thấy Hường, bà chủ quán tươi cười ra mặt. Bà bảo hai đứa cứ tự nhiên, dọn xong thì cho về sớm.
Bà chủ quán Ngọc Anh quan sát Hường lúc nó đang loay hoay rửa chén bát. Con bé làm nhanh tay, gọn gàng. Chiếc áo ngắn tay để lộ làn da trắng mịn, khỏe mạnh của Hường. Làn da của tuổi thanh xuân. Làn da mịn như những cánh sen hồng phơn phớt… Hường làm việc chăm chỉ như Hà. Nết làm của nó vừa ý bà chủ quán.
Mấy ngày sau, bà gọi Hà lại bảo:
-Con rủ con bạn của con hôm nọ vào làm với con cho vui?!
Hà lưỡng lự, ngập ngừng:
-… Không biết nó có bằng lòng không! Để con hỏi lại nó.
-Thì con cứ hỏi, nếu thích thì bác mướn cả hai đứa làm.
…
-Như thế vừa nhanh việc, vừa tiện cho hai đứa con về lúc đêm hôm khuya khoắt.
-… Dạ! Để con nói với nó.
Thế là hai con bạn Hường Hà lại có thêm việc làm. Chiều chiều, sau ca làm ở Amata, hai đứa lại đạp xe đến quét dọn, rửa tô chén, xoong nồi ở quán Ngọc Anh. Tháng tháng lại có thêm thu nhập. Đồng lương tăng, bữa cơm tối cũng đỡ tốn kém. Hai đứa thấy những ngày tháng thật hạnh phúc.
Hai đứa làm ở quán Ngọc Anh được vài tuần, bà Phúc chủ quán gọi Hường lại nói chuyện. Bà có ý đưa đẩy câu chuyện chọn Hường làm con dâu!? Hường hiểu ý. Con bé lặng người hoảng sợ. Hường vội xuống bếp kể lại với con bé Hà sẹo.
Ngay từ lúc đầu, hai đứa đã nói dối mình còn là con gái chưa chồng.
Không ai biết Hường đã trải qua một cuộc tình đầy sóng gió và đã phải chia tay.
Nghĩ đến chuyện chồng con, chuyện yêu đương, Hường cảm thấy ngán ngẩm. Hường không còn tha thiết gì, không mảy may rung động. Trái lại, khi nhắc đến chuyện này, Hường chỉ cảm thấy rờn rợn gai ốc, chỉ cảm thấy sợ!?
Bây giờ, gặp chuyện éo le, Hường không biết phải ứng phó làm sao?! Cứ yên lặng, không cho ai biết chuyện riêng tư của mình thì phải bỏ chỗ làm này?! Nhưng nếu nói thật là mình đã có chồng, liệu có ai tin không?! Rồi họ nghĩ mình thế nào?! Rồi họ có đón nhận mình như lúc đầu không?! Hay họ lại coi khinh mình?! Hay họ lại coi mình là gái mất nết, bỏ chồng, bỏ con. Gái hư ???
Đầu óc Hường cứ rối tung lên.
Đêm hôm ấy, nó không sao ngủ được. Hường cứ trằn trọc với những ý nghĩ ngổn ngang. Nhìn con Hà sẹo ngủ lăn ra, ngáy khò khò, Hường mới cảm nhận được câu “ăn được, ngủ được” là như thế nào. Lúc này, Hường mới thấm thía “gia đình hạnh phúc” là như thế nào.
Nhưng Hường lại nghĩ: tuổi mình còn quá trẻ, làm sao có thể cứ sống “treo” như thế này được!? Cũng phải có chồng có con như người ta chứ!!!
Nhưng lấy chồng làm sao được nữa, khi còn đang bị ràng buộc hôn phối với Hưng – chồng của Hường. Mà lấy chồng nữa, thì chỉ còn có cách ‘theo nhau’ đi đâu đó để sống. Lén lút, vụng trộm. Cả đạo lẫn đời đều không chấp nhận cách sống này. Mà mình cũng có yêu thương gì Út An đâu!? …
Hàng trăm câu hỏi, hàng trăm vấn nạn cứ vỡ vụn ra, tung tóe trong đầu Hường. Hường trằn trọc, lăn bên này, trở bên kia. Đến khuya, mệt mỏi với trăm nghìn ý nghĩ mông lung xâu xé Hường. Hường ngủ thiếp đi. Giấc ngủ chập chờn, mộng mị.
***
Con Bích già đến chơi. Nó bỏ hai đứa bạn chung phòng, ra đi biệt tăm mấy tháng trời. Hôm nay mới ghé thăm Hường và Hà. Con Bích trông khác hẳn. Nó già dặn hẳn ra. Hơi gầy một tí. Con bé có vẻ điềm đạm hơn. Nó không toe toét, cười nói như lúc trước. Nó chỉ mỉm cười thanh minh việc bỏ xa bạn bè: “Tao bận quá, lại ở xa nên không về thăm tụi mày được. Tụi mày thông cảm. Có chồng rồi, vướng bận lắm!”.
Hường không nói gì. Con bé Hà chỉ đùa một câu:
-Mày có chồng sướng quá, quên hết chị em!
-Tao đâu có quên. Ngặt nỗi không có thì giờ!
Con Bích bước đi nặng nề. Nó có bầu. Lưng nó bè ra, tướng đi khệnh khạng. Bụng nó ỏng ra như bụng đứa trẻ bị sán lải. Nó ngồi xuống cạnh chiếu, mệt mỏi tâm sự với Hà:
-Tao chán lắm, Hà ơi!
-Chán nỗi gì? Mày mới lấy chồng mà đã chán?!
-Cứ như hai đứa mi, không chừng lại khỏe. Chồng con chi cho mệt. Hắn đi ba ngày nay chưa về.
-Sao không gọi điện thoại, hỏi xem nó đi đâu?
-Hắn tắt máy. Bữa trước, hắn nói đi công việc … rồi hắn đi nhậu tới khuya. Về nhà, tao nhằng hắn. Hắn cự lại. Hôm sau, hắn đi làm rồi không về nhà. Tao nghĩ hắn đi nhậu nữa. Định bụng, tối về, sẽ làm cho ra chuyện. Nhưng hắn đi tới bữa ni chưa về. Tao chán quá. Sợ hắn có chuyện chi chẳng lành?!
Con Bích già vừa kể vừa khóc rấm rức. Hà an ủi bạn:
-Cứ bình tĩnh, không có gì đâu! Chắc nó giận chứ gì, vài hôm rồi lại nhớ vợ, mò về bây giờ. Mày đừng khóc. Khóc, ảnh hưởng đến em bé. À! Mày có hỏi thăm bên chỗ nó làm chưa? Mày có số điện thoại của thằng bạn nào của nó không? Hỏi thử xem nó đi đâu?!
Bích không trả lời. Hường loáng thoáng nghĩ đến tình huống xấu. Rất có thể thằng khốn ấy bỏ con Bích bầu bì rồi trốn mất.
Một màu xám che phủ tâm trí Hường. Có gì đó giống giống hoàn cảnh Hường khi đang có thai thằng cu Tí. Hưng – chồng Hường cũng đã bỏ nhà đi mấy tuần. Nó lên Hà Nội, lêu lổng ăn chơi. Chê chán, nó mò về. Rồi thay đổi thái độ ra mặt. Nó hắt hủi Hường. Nó hay giận cá chém thớt, hay cáu gắt vô cớ.
-Rất có thể Bích cũng gặp phải thằng khốn nạn như vậy!
Hường lại ngồi bên cạnh con Bích, vỗ về con bé:
-Thôi, mày cứ bình tĩnh. Lúc đi, nó có nói gì với mày không?!
-Anh ấy chỉ nói: chiều cứ về nhà trước, đừng đợi anh ấy. Bữa ni tăng ca.
-Rồi nó đi có mang theo cái gì không?
-Không. Đồ đạc còn nguyên.
-Tiền?
-Tụi tao không có nhiều tiền. Tháng nào lãnh lương cũng chỉ đủ xài, có khi còn thiếu tiền nhà nữa!
Hường có vẻ sành sỏi việc gia đình. Tự nhiên nó linh cảm thấy điều gì đó không ổn. Nó gặng hỏi con Bích:
-Lâu nay, mày thấy nó thế nào?
-Hồi đầu, anh ấy nói cứ ráng làm hết năm, rồi anh ấy dẫn về quê chào ba mẹ anh ấy. Anh ấy nói: Nhà nghèo, lấy vợ xa quê, đâu có dám tổ chức đám cưới. Tao cũng cứ tin như vậy. Lần hồi, tao có bầu. Anh ấy nói: có bầu thì đẻ! Lo nghĩ chi cho mệt?! Gần đây, anh ấy hay đi về trễ. Có khi đi nhậu ở mô đó, về nhà toàn mùi rượu. Tao chỉ biết khóc một mình.
… … …
Cả ba đứa con gái yên lặng. Bầu không khí ngột ngạt, nặng nề. Hường có cảm giác: sao giống trường hợp của mình thế?!
Không lẽ đám đàn ông con trai, đứa nào cũng đểu như vậy sao? Lúc đầu chưa lấy được thì nịnh nọt, chiều chuộng … Khi được rồi, nhất là có bầu, thì tìm cách trốn tránh trách nhiệm?
Không lẽ …
Hường cứ quay quắt với những ý nghĩ vẩn vơ. Lòng dạ sôi lên sự thù hận.
Không lẽ … Lũ đàn ông đểu cáng vậy sao?!
Hường thấy tự dưng căm ghét bọn đàn ông, bọn con trai. Sự căm ghét cào xé trái tim, đau nhói. Biết, nhưng không nói ra được. Sự căm ghét thiêu đốt tâm hồn non trẻ của Hường. Nó muốn trả thù lũ đàn ông khốn nạn. Nhưng nó sợ tội. Nó vẫn cắn răng chịu đựng sự dằn vật cả thể xác lẫn tâm hồn …
Đêm hôm ấy, con Bích ngủ lại nhà trọ với Hường và Hà. Chúng nó ôm nhau khóc. Không biết mình khóc vì cái gì? Có lẽ chúng nó tủi thân vì bơ vơ nơi đất lạ quê người. Tủi thân vì cô quạnh. Không ai để nương tựa, giúp đỡ lúc ngặt nghèo. Chúng nó ôm nhau khóc, rồi ấp ủ nhau ngủ thiếp đi lúc nào.
Tội nghiệp cho ba đứa con gái xa quê.
Chúng nó muốn giữ mình lắm, nhưng thế gian đầy cạm bẫy.
Chúng nó muốn sống cho ra sống, nhưng cuộc đời trớ trêu, người đời chỉ muốn lợi dụng chúng nó.
Chúng nó đều quyết sống đạo như cha mẹ chúng nó đã sống, như giáo xứ và gia đình đã dạy… Nhưng cái ‘xã hội nhà trọ’ đã đẩy chúng nó ra xa nếp nghĩ, xa đời sống đạo hạnh.
“Thế giới nhà trọ” đã xô chúng nó vào ngõ cụt bế tắc, coi nhẹ chuyện hôn nhân gia đình, chấp nhận buông thả tình cảm … chấp nhận …
***
Công việc hằng ngày vẫn thế! Vẫn công ty, vẫn phụ rửa chén bát cho quán ăn… Tưởng ngày tháng sẽ bình yên. Nhưng những rạo rực, những háo hức tuổi trẻ cứ dâng trào. Hường thấy ngày tháng dài sao vô vị quá!
Chẳng lẽ cứ cô quạnh một mình suốt đời?!
Chẳng lẽ cứ ở vậy?!
Không ai biết Hường đã có một đời chồng, có một đứa con. Cũng chẳng ai biết Hường đã có một cuộc hôn nhân tan vỡ. Họ chỉ biết và thấy có một con bé Hường độc thân, trắng trẻo, đẹp gái, xa quê nghèo tìm vào phố thị Miền Nam làm lụng kiếm tiền.
Khu nhà trọ chỉ biết có hai đứa con gái từ Bắc vào, đi làm công ty. Họ chỉ biết hai con bé ngoan, chịu thương chịu khó làm việc. Hai con bé chắt bóp từng đồng từng chữ, không đua đòi, không bạn bè lăng nhăng …
Rồi … những ý nghĩ vớ vẩn lại quyện lấy Hường. Không ai biết quá khứ của mình, dại gì mình không sống là một đứa con gái chưa chồng?! Thì cứ có bạn trai xem sao?! Mình đã có kinh nghiệm rồi, dễ có thằng nào lừa được mình!? … Hường tự biện hộ. Chẳng lẽ cứ giữ kẽ mãi. Mà giữ thì … tuổi trẻ mau qua, biết bao giờ mới lại lấy được chồng?!?
Đã có lúc Hường có ý nghĩ buông xuôi.
Đêm về, cô quạnh. Hường khóc một mình.
Nó trằn trọc, vật vã với những ý nghĩ, những rạo rực, những thèm khát tuổi trẻ.
Có ai hiểu được nỗi lòng của đứa con gái trẻ sống xa gia đình, xa quê nhà, xa chuyện chồng con?!
***
Bão!
Bão ở khu vực này rất hiếm xảy ra.
Mấy ngày nay, cơn bão bỗng ập vào thành phố. Mưa như trút nước. Mưa dầm dề suốt nhiều giờ. Trời đất tối sầm. Đường xá ngập lụt. Xe cộ không chạy được.
Bão kéo theo cái lạnh, kéo theo cái ế ẩm. Không bóng người nào ngoài đường. Không hàng quán nào bán buôn gì được. Hường và Hà tạm nghỉ phụ cho quán Ngọc Anh. Hai đứa đi làm về trong mưa, rồi co quắp trong góc phòng nằm ngủ vùi. Buồn bực, trống vắng.
Trời chưa tối hẳn, nhưng không gian vắng lạnh, chỉ có tiếng gió rít, tiếng mưa rơi.
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Hà giật mình, nó khều nhẹ Hường đang ngủ say. Nó thì thào bên tai.
- Hường! Hình như có ai?!
-Thì mày ra xem. – Hường nói trong cơn ngái ngủ.
Hà len lén bước ra gần cửa, nó nhìn qua khe lỗ đinh. Ngỡ ngàng, tim nó đập loạn lên. “Anh Út!”. Sao anh biết chỗ mình ở? Sao anh lại đến giờ này? Hay có việc gì khẩn cấp??? Những ý nghĩ cứ chớp lóe trong đầu Hà. Nó nhè nhẹ đặt tay vào chốt cửa phòng, định mở, rồi lại thôi. Chần chừ, nó đợi tiếng gõ cửa lần nữa.
-Hường ơi! Mở cửa cho mình vào với!
Tiếng nói rất khẽ. Nhưng lại xoáy vào tai Hà. Nó lùng bùng đầu óc. Sao anh không gọi tên mình!? Hà chỉ mong Út gọi tên mình là sẽ mở cửa ngay. Con bé Hường mới làm đây, mà sao anh lại gọi nó?! Anh có cảm tình với nó?! Cơn tức dâng lên chẹn ngang cổ. Nó quay ngắt vào chỗ ngủ. Nó lay lay người bé Hường:
-Hường! Ai gọi mày kìa!
-Ai gọi tao giờ này? – Hường vẫn đang ngái ngủ.
-Thì mày ra xem!
Con bé Hường lồm cồm ngồi dậy, tay dụi mắt, tay che miệng ngáp. Nó lần mò tìm dép, rồi nhè nhẹ bước lại bên cửa phòng. Ghé mắt nhìn qua khe lỗ đinh, nó nhận ra dáng của Út An. Con bé giật mình lùi lại. Nó linh cảm điều gì không ổn.
Út An ghé miệng vào khe cửa gọi nhỏ:
-Mở cửa giùm đi! Út An đây mà!
Hường lên tiếng:
-Có việc gì vậy anh Út? Tối rồi, anh đến có việc gì?
Út An lại năn nỉ. Giọng nó thành khẩn.
-Mở cửa giùm đi!
-Nhà chỉ có hai đứa con gái, anh vào có tiện không?
-Cứ mở cửa cho mình vào đã, mình nói chuyện sau!
Hường nhẹ tay mở chốt, hé mở cửa phòng. Út An chờ có thế, nó lẩn vội vào, đóng vội cửa. Nó nói nhỏ với Hường:
-Đóng cửa lại! có ai hỏi mình, cứ bảo mình không có ở đây!
… … …
Rồi Út An thu mình vào góc phòng, dưới ánh đèn lờ mờ, nó có vẻ hoảng hốt. Lo sợ. Hường bước tới đưa tay định bật công tác đèn cho sáng, Út An cản lại. Nó muốn mọi sự cứ bình thường như không có nó. Trong phòng lờ mờ sáng, nó nói vội, rất nhỏ, thều thào với hai con bé, như một lời biện minh:
-Cho mình trốn ở đây tối nay, tuị nó đang ‘săn’ mình.
-Sao vậy? – Hường sốt ruột hỏi nhỏ.
-Tụi thằng ‘Trí lồi’ nó tìm mình. Mình thua ‘độ’ hôm qua, chưa có tiền ‘chung’ cho tụi nó. Tụi nó tính xiết xe của mình, nhưng mình gửi xe cho thằng ‘Cu Đỏ’ rồi.
Nghe thấy thế, Hà lồm cồm bò dậy, nó sáp lại hỏi thều thào:
-Thế anh đến đây bằng gì? Có đứa nào theo không?
-Không! Mình đi với thằng Đẹt.
-Nhưng nhà chỉ có hai đứa con gái, anh không ở lại được đâu. – Hường góp lời.
-Cho mình ở tạm, khuya, êm êm, mình tìm cách về nhà.
Hai đứa con gái xa quê và một thanh niên trong căn phòng trọ … Chúng nó hồi hộp, ngồi dúm dó, thu mình vào góc phòng. Thao thức, bồn chồn tới khuya. Bên ngoài trời vẫn mưa nặng hạt. Gió vẫn rít lên từng cơn. Mái tôn vẫn khua phập phồng như có tiếng chân ai đang bước đi trên đó. Trời khuya lắm rồi, có lẽ đã gần sáng. Cả ba đứa vẫn yên lặng, ngồi thức chong chong, mệt mỏi. Hường lên tiếng:
-Hay giờ yên rồi đấy, anh về đi!
….
-Anh lấy xe đạp của em về đi, mai em sang làm rồi đạp về cũng được.
-Ừ, có lẽ vậy, mượn xe của Hà nhé!
Út An mượn xe đạp của Hà, nó lén mở cửa phòng, giáo giác nhìn ra ngoài rồi phóng xe, cắm đầu chạy quên cả chào. Hai con bé thở phào. Không ai bảo ai, cả hai đứa lại rúc vào góc phòng ngủ bù.
Chuyện giật mình mấy hôm trước chưa lắng xuống, Út An lại lù lù xuất hiện ở chỗ trọ của hai đứa. Lần này, nó có vẻ bình tĩnh hơn. Nó chủ động đến, chủ động gợi chuyện. Con bé Hà tiếp đón niềm nở. Nó có cảm tình với anh Út. Còn Hường, cứ lờ lững như không. Nó không mặn mòi câu chuyện lắm. Nó ít nói, ít cười, nó cố tạo khoảng cách để con bạn Hà sẹo có cơ hội … Nhưng Út An lại có vẻ để ý đến Hường nhiều hơn. Nó hỏi:
-Quê Hường ở đâu?
-Dạ, em ở Nam Định. Còn anh?
-Mình quê ở Thái Bình, nhưng bố mẹ vào Nam năm ’54. còn Hà?
-Dạ, em ở Thanh Hóa. Quê em nghèo lắm!
-Hai bạn vẫn độc thân?
Hà mau mắn trả lời:
-Dạ. Con gái nghèo có ai thèm để ý!
Út An đưa đẩy: “Nghèo nhưng mà … ngoan”.
-Anh nói thế! Ai biết ngoan hay không?
-Hai bạn giỏi thế, thiếu gì anh nhòm ngó, để ý!
-Giỏi dang gì? Chúng em phải bỏ xứ Bắc vào Nam làm lụng, đâu dám nghĩ đến chuyện “để ý”.
Cả ba đứa cười. Câu chuyện vu vơ cứ lam man. Những chuyện lan man như thế này làm ba đứa thân thiện nhau lúc nào không biết.
Cứ thế, Út An ra vào phòng trọ của hai con bé thường xuyên hơn. Chúng nó thân thiện hơn. Chuyện trò vui vẻ hơn.
***
Ở quê nhà, bố con bé Hà sẹo bị ốm nặng. Nó phải về thăm nuôi Bố ít ngày. Nó về lại quê nhà, mang theo lỉnh kỉnh quà miền Nam về cho gia đình. Nó còn mang theo tâm trạng vui vui vì chuyện thân thiết với Út An, chuyện tiền lương tích góp được hơn chục triệu. Chắc bố mẹ nó vui lắm!
Con bé Hà về quê, phòng trọ của hai đứa trở nên trống vắng. Một mình Hường đi làm khuya trở về, nó cảm thấy vắng vẻ, lạnh lẽo. Bây giờ nó mới thấm thía nỗi cô đơn. Bây giờ nó chợt cảm thấy như thiếu thốn điều gì đó.
Nó nghĩ: giá giờ này có ai đó để tâm sự, có ai đó trám vào chỗ con Hà sẹo thì đỡ buồn. Nó nghĩ ngợi miên man…
… Có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ rất nhẹ, rụt rè. Hường rón rén ra phía lỗ đinh ở cửa phòng. Nó nhìn vào khe lỗ đinh. Tim nó đập rộn lên. Út An đang đứng ở ngoài, dáng vẻ mất tự nhiên, tay chân lóng ngóng. Hường mạnh dạn lên tiếng:
-Ai đó?
-An đây, mở cửa cho mình vào với! – Út An nói thì thào.
-Bé Hà về quê rồi, anh đến đây làm gì?
-Cho mình vào với! – Út An năn nỉ: “Biết rồi, mình vào nói chuyện cho Hường đỡ buồn.”
-Cám ơn?! Em có gì buồn đâu. Anh về đi. Muộn rồi.
Hường trở vào chỗ ngủ. Nó không muốn Út An vào. Một mình trong phòng, lỡ có chuyện gì thì sao!?
Nằm trong góc phòng, Hường nghĩ về Út An đang đứng lóng ngóng ở ngoài. Người gì mà lì, mình đuổi khéo vậy mà không đi. Nhưng cũng hơi tội nghiệp, đến đây rồi mà không được vào nhà. Nhưng cũng có thể Út An biết Hường buồn một mình, cô đơn nên đến chơi một lúc cho vui … Miệng thì đuổi Út An về, nhưng trong lòng lại muốn cho Út An ở lại.
-Hường ơi! … Mở cửa cho mình vào đi!
“Hường ơi! …” Sao cái chữ “Hường ơi” nghe êm ái thế!? Sao nghe sung sướng thế. Hường cảm thấy rung động, nhưng vẫn tỉnh táo trả lời:
-Anh về đi, khuya rồi.
-Mình có chuyện muốn nói với Hường. – Út năn nỉ.
-Có gì để mai hãy nói.
…
Lúc lâu sau, Hường chợt nghe bên ngoài có tiếng động nhẹ. Không lẽ Út An còn đứng ở ngoài đó?! Hường giả bộ húng hắng ho. Út An mạnh dạn gọi: “ Hường ơi! …”
…
…
Hường rón rén ra cửa phòng, Út còn đứng đó. Tự nhiên trong lòng Hường thấy nôn nao. Nửa muốn cho Út An vào, nửa lại không. Hường tần ngần một lúc. Út An lại nói vọng vào, tiếng nói yếu ớt như nài van:
-Cho anh vào với, Hường ơi.
….
Hường chạnh lòng. Nó rụt rè mở cửa. Út An vội lách người vào. Nó nhìn Hường, Hường hơi run, hơi lo trong lòng. Hường chợt nghĩ: Nếu nó làm bậy thì sao?! Mình biết kêu cứu ai? Nhưng Út An bước lại chỗ vẫn ngồi, nó bắt đầu hỏi chuyện … Lúc sau, Hường bình tĩnh lại, hai đứa nói chuyện râm ran. Muộn lắm Út An mới ra về.
Hường vào chỗ ngủ, lòng thấy vui vui. Đêm đã khuya, giấc ngủ đến nhanh, ươm đầy mộng mơ. ..
Ngày lại ngày, Hường vẫn đi làm, vẫn phụ dọn dẹp quán. Tối muộn, về phòng trọ thui thủi một mình. Con bé Hà mãi chưa vào. Nó về quê đã cả tuần rồi. Không biết gia đình nó ngoài ấy có chuyện gì mà Hường chờ mãi nó không vào. Đã thế lại chẳng gọi điện thoại cho Hường nữa. Phòng trọ chỉ còn lại mình Hường. Cô đơn. Vắng vẻ.
Út An lại đến gõ cửa phòng Hường. Tiếng gõ nhẹ đã trở thành quen thuộc. Hường cũng nhẹ nhàng ra mở cửa. Hai đứa vẫn ngồi tâm sự.
Rồi …
Hường thấy tháng này ‘trễ’. Nó nghĩ: “không lẽ …”.
Tuần sau, Hường âm thầm đi bệnh viện, nó biết chắc mình đã có … Nó bị choáng. Nó cảm thấy tội lỗi, nhưng cũng lại cảm thấy hạnh phúc. Nó đã có người chia sẻ nỗi niềm, ủi an nó lúc cô đơn.
Chờ Út An đến, nó nói thật:
- Em “có… !”
-Có thì … anh dẫn đi …! Út An trả lời rất bình tĩnh, nét mặt nó trơ ra, không phản ứng. Nó quen cái điệp khúc này rồi!
Hường nói với nó, vẻ giận dữ:
-Nếu có, em để chứ không phá. Con em, em nuôi.
-Nhưng …
Hường không để Út An nói thêm, nét mặt nó đanh lại, mắt nó long lên giận dữ, nó cương quyết:
-Em làm, em chịu. Nếu anh không nhận thì thôi, tùy anh.
-Không phải! … Nhưng lúc này, anh chưa sẵn sàng.
-Em không muốn anh nói câu “sẵn sàng”. Có bao giờ anh sẵn sàng với ai chưa?!
…
Từ hôm đó, Hường và Út An hay tránh mặt nhau. Chúng nó không muốn nhắc đến chuyện không vui. Hường suy nghĩ nát đầu:
Bỏ thì thương. Bỏ đi là có tội trọng. Bỏ đi là có nguy cơ không còn sinh nở được nữa…
Nhưng mang thì phải chịu nhục, phải chịu tiếng đời khắc nghiệt. “Con gái chửa hoang”, “Bỏ chồng theo trai”.
Dù sao, Hường cũng bị ray rứt vì đã lỡ có thai với Út An. Con bé bị bế tắc, không biết phải giải quyết tình huống thế nào cho ổn.
Không biết tìm ai tâm sự. Không biết ai để tư vấn. Hường tìm đến Cha Giải Tội. Nó kể hết, nó tâm sự rất chân thành với Cha Giải Tội. Nó nhận được những lời khuyên bảo, an ủi thấu tình.
Từ hôm ấy, Hường cố gắng trở lại công việc một cách bình thường. Nhưng không xong, nó bị ‘hành’ mệt, nhiều lúc muốn bã người ra. Nó không thể ăn uống bình thường. “Hôi cơm, tanh cá”. Đêm về, nó bị vật vã khó ngủ. Người nó gầy hẳn đi. Da dẻ tái nhợt, ánh mắt thất thần. Nó trở nên buồn bã, ray rứt…
Hường lại tìm đến bác sĩ. Sau khi thăm khám, Hường biết mọi thứ tốt đẹp, nó cũng tạm yên lòng.
Trên đường từ phòng mạch của bác sĩ về nhà trọ, nó chợt nghĩ tới một “Nhà mở” cho chị em cơ nhỡ. Nó quyết định đến địa chỉ ấy, nhưng không biết “nhà mở” ở đâu trong thành phố. Để mà đến!?
Lang thang suốt buổi tối không biết đi về đâu. Nó dừng chân bên hàng nước. Tiện nghỉ chân và uống ly nước cho đỡ mệt.
Hàng nước dựa vào hiên nhà, kê vài cái bàn nhỏ thô sơ, bà chủ hàng nước đang loay hoay lau dọn bàn ghế. Ở một chiếc bàn nhỏ, một bà khách vừa uống nước, vừa trò truyện với bà chủ hàng. Hường ngồi vào ghế, gọi một ly sinh tố. Nó nhìn quanh, người đi qua lại cũng không nhiều, người uống nước lại càng ít.
Lặng lẽ, cô đơn, buồn tủi. Hường ứa nước mắt khóc một mình. Nó khóc cho thân phận, khóc vì chuyện lỡ lầm. Nó ân hận vì không giữ được mình, không kềm hãm được con người mình. Để giờ này, đau khổ, tủi nhục cũng chỉ mình nó gánh chịu.
Nó chợt nghĩ về Hưng – chồng nó. Thằng chồng đểu cáng, đánh cắp tuổi thanh xuân của nó, rồi bỏ mặc nó giữa đường đời đầy cạm bẫy.
Nó nghĩ đến Út An. Thằng khốn nạn đã chiếm đoạt nó, rồi chạy trốn trách nhiệm.
Càng nghĩ càng tức.
Nó hận bọn đàn ông. Nó thù lũ con trai đểu giả. Nó tủi thân.
Nó khóc. Nước mắt tủi hận trào ra không ngăn được.
Ở bàn gần đấy, người phụ nữ đang để mắt đến Hường. Người phụ nữ tuổi trung niên, ăn mặc bình dị. Người phụ nữ có nụ cười đôn hậu, ánh mắt khoan dung.
Nhìn Hường ngồi thừ ra, nước mắt trào tuôn, tức tưởi, người phụ nữ linh cảm điều gì đó không ổn. Cô lân la đến bên Hường, gợi chuyện:
-Chào em, hình như em không phải người ở xóm này?!
Hường ngước đôi mắt ngấn lệ nhìn người phụ nữ, trả lời:
-Dạ, cháu không ở đây. Cháu là công nhân.
-Vậy chắc ở nhà trọ?!
-Dạ.
…
Lặng đi một lúc, người phụ nữ lại lên tiếng phá tan sự im lặng ngột ngạt:
-Cô nghĩ: chắc em có chuyện gì buồn lắm thì phải?!
-Dạ, “con vẫn bình thường ma”!? – Hường buột miệng câu quen nói của xứ Nam định.
-Cô thấy em khóc. Có chuyện buồn phải không?
Hường bật khóc thành tiếng. Nó khóc nức nở.
Nó đang cần có ai đó để chia sẻ nỗi niềm. Nó đang cần có ai đó để an ủi. Nó cần một vòng tay, một bờ vai để tựa nương lúc này.
Người phụ nữ đôn hậu an ủi Hường, cho Hường số điện thoại và dặn Hường có thể gọi cho cô bất cứ lúc nào cần. Người phụ nữ ấy hứa giúp đỡ Hường trong cơn bế tắc. Lòng Hường cảm thấy nhẹ đi nỗi dằn vật. Nó trở về khu nhà trọ. Nó gắng gượng làm việc. Lòng nó nát tan, quay quắt những hình ảnh tương lai mờ nhạt.
Hai tuần lễ nữa nặng nề trôi qua. Hường vẫn làm việc. Không ai biết nó đang mang trong mình giọt máu của Út An. Giọt máu mà cả nó và Út An đều không muốn có. Nó uể oải trong công việc, chán nản trong ăn uống. Người nó gầy rạc đi. Mắt nó hõm vào. Nước da xanh mướt.
Bà Phúc nhận thấy những thay đổi trên khuôn mặt nó. Bà hỏi thăm:
-Hường này, con bị ốm à?! Nếu không khỏe, con cứ nghỉ vài hôm.
-Dạ! Mấy ngày nay, con thấy trong người không được khỏe.
Rồi Hường nói khỏa lấp:
-Có lẽ con bị cảm lạnh. Mấy ngày bão hôm trước, con dầm mưa. Về nhà, người cứ khật khừ từ hôm ấy.
-Thế có thuốc thang gì chưa, con? –Bà Phúc ôn tồn.
Dạ. Con có uống thuốc rồi. Chắc chỉ vài ngày là khỏe lại thôi. Cảm ơn bác!
Hường vẫn đến phụ quán của bà Phúc. Hường cố gắng gượng làm việc để che giấu cơn hành hạ của bào thai. Nhiều lúc, nó cảm thấy rã rượi. Đứng lên, ngồi xuống, nó thấy xây xẩm mặt mày. Có khi chân tay nó tự nhiên bạc nhược, không nhấc lên nổi …
Hường mệt mỏi vô cùng. Nó bưng vài cái tô mà cảm giác như bê nguyên một khối đá nặng. Mắt nó ‘nổ đom đóm’. Đầu nó quay mòng mòng. Hường vấp chân. Nó ngã xoạc người trên nền bếp . Nó bị choáng. Bà Phúc vội vã chạy lại, bế dựng nó lên. Bà hốt hoảng gọi người nhà ơi ới …
Út An từ trên gác nghe tiếng mẹ gọi thất thanh, chạy vội xuống bếp. Thấy Hường ặt ẹo như sợi bún thiu, nó chạnh lòng. Nó chạy vội lại chỗ Hường. Mặt Hường tái nhợt. Môi nó tím lại. Hơi thở Hường hởn hển, yếu ớt. Tay chân nó lạnh ngắt. Út An đỡ Hường dậy, bế xốc nó lên gian nhà trống, đặt nằm dài trên tấm phản gỗ.
Hường mở mắt ra, thất thần. Nó tỉnh lại. Người nó nhìn thấy lúc đó là Út An đang lo lắng ra mặt. Nó tủi thân, khóc…
Bà Phúc cho Út chở Hường về phòng trọ. Trên đường về, không ai nói với ai lời nào. Hường còn căm hận Út. Căm hận sự chạy trốn của Út.
Về phòng trọ, Hường bước vội vào, khóa trái cửa. Mặc cho Út An réo gọi ở bên ngoài. Con bé úp mặt vào gối khóc tức tưởi. Nó tủi cho thân nó. Nó hổ thẹn cho chính nó. Ngoài kia, đường xá vẫn nhộn nhịp, hàng quán vẫn tấp nập. Hường đau tủi một mình…
… Nó thấy ươn ướt nơi người nó. Máu! …
Kinh nghiệm một lần làm mẹ, nó biết mình bị ‘sẩy’. Nó lồm cồm bò dậy, khoác vội chiếc áo gió mong manh. Nó cố bước ra đường, gọi một chiéc xe ‘ôm’. Nó đến bệnh viện.
Không ai trong nhà Út An biết nó bị ‘sẩy’. Ngay cả Út An cũng không hề biết. Mấy ngày sau, nó vẫn còn nằm viện. Nó bỏ dở công việc phụ quán.
Nằm viện, nó suy nghĩ mông lung. Nó nhớ đến người phụ nữ dịu hiền đã gặp bên hàng nước, dù chỉ mới gặp một lần.
Nó lấy điện thoại, tìm số của ‘cô ấy’. Tần ngần giây lát, nó lại thôi.
Nếu gọi cho ‘cô ấy’, không biết phải nói gì đây?!
Hay gọi cho Út An?! Không được! Không thể gọi cho thằng khốn ấy được…
Hay gọi cho con bé Hà?! Không! Nó đâu có biết mình lỡ có bầu với Út An! …
Cứ như thế, Hường phân vân suy nghĩ mãi.
Rồi nó quyết định lầy điện thoại gọi cho ‘cô ấy’:
-Alô!
Có tiếng đáp lại của máy kia:
-Alô, xin lỗi, ai gọi đấy ạ?!
Hường nghe giọng nói trong máy nhẹ nhàng, êm ái. Lòng nó chùng xuống. Nó tự tin hơn, trả lời:
-Thưa cô, con là con bé gặp cô ở hàng nước hôm nọ. Cô cho con số điện thoại này…
Không đợi Hường nói hết câu, người phụ nữ nhanh miệng nói:
-À! Cô nhớ rồi, ‘em’ đang ở đâu? Có cần cô giúp gì không?! Cô sẵn sàng nghe ‘em’ đây.
Hường chợt thấy lòng mình ấm lên. Nó bị cái giọng nhè nhẹ, nhưng đầy tình cảm ấy cuốn hút. Nó không ngần ngại kể cho người phụ nữ nghe về sự cố của nó. Người phụ nữ an ủi, động viên nó. Hường cảm thấy như Mẹ mình đang ôm ấp, đang vỗ về mình trong lúc cô đơn. Nó vừa kể, vừa tức tưởi khóc.
***
Hường được ‘cô ấy’ đón về nhà, chăm sóc cho Hường trong những ngày dưỡng bệnh.
Hường không thể hiểu được: sao còn có những con người tốt bụng thế?! Họ là thiên thần hay là thánh nhân đến cứu giúp Hường?!
Sao thế gian này vẫn còn có những người quảng đại đến thế?! Họ sẵn sàng đón nhận Hường, đón nhận đứa con gái hư hỏng, tội lỗi về nhà mình?! Nuôi dưỡng, dạy bảo!!!
Hường không tin nổi chính những gì đang xảy ra cho mình! Hay mình đang mơ?!
Hường lại khóc.
Những giọt nước mắt tủi thân và ngỡ ngàng.
Những giọt nước mắt ngập tràn trong hạnh phúc vì được chở che.
Về nhà ‘cô ấy’, Hường được cô giới thiệu với cả gia đình. Chú – chồng cô – làm việc trong giáo xứ. Chú ở nhà thờ gần như suốt ngày. Mấy anh lớn đã có gia đình, có nhà cửa riêng. Nhà cô, giờ chỉ còn hai ‘cậu bé’, đang học đại học. Tuần lễ, hai cậu về thăm nhà một hai ngày. Căn nhà cô chú lúc này trở nên trống trải. Chỉ buổi tối, chú đi làm về, cô chú mới ăn cơm chung, mới có thì giờ nói chuyện tâm tình …
Hường được đón nhận vào nhà ‘cô ấy’ như một đứa con. Cô chú quan tâm chăm sóc Hường. Các anh hỏi han Hường, vui cười với Hường như một đứa em gái. Hai cậu em đi học xa về nhà, thấy Hường, tuơi cười kể chuyện học hành. Cả gia đình sống rất hồn nhiên, hạnh phúc.
Hường không thể ngờ rằng: còn có những gia đình hạnh phúc như thiên đàng, còn có những con người quảng đại và đầy yêu thương như gia đình ‘cô ấy’.
Hường chẳng cần biết tên cô. Từ nay, Hường ngoan ngoãn gọi cô là ‘Mẹ’. Từ ‘Mẹ’ đầy yêu thương và thán phục. Hường gọi chú là ‘Bố’. Từ ‘Bố’ đầy kính trọng.
Về sống trong gia đình ‘bố mẹ’ mấy ngày, cũng đã quen quen. Bố tìm được cho Hường một việc làm nho nhỏ: đứng bán hàng cho một cửa hàng đại lý điện máy. Lương tháng không cao, chỉ hơn hai triệu. Nhưng ở đấy, Hường được hưởng bữa cơm trưa. Tối về nhà, Hường chỉ tắm rửa, lau nhà rồi nghỉ ngơi rồi cùng gia đình ăn cơm tối. Hường có thời giờ xem Tivi, có thời giờ kể cho ‘mẹ’ nghe tâm sự đời mình. Hường cảm thấy chưa bao giờ mình hạnh phúc như bây giờ.
Đôi lần, ‘Bố’ có chút thời gian rảnh rỗi, về nhà để lắng nghe Hường kể chuyện cuộc đời. Bố dạy Hường cách sống. Bố chỉ cho Hường những cạm bẫy, những cám dỗ, những vấp ngã ở ‘khu nhà trọ’. Bố khuyên bảo Hường nên suy nghĩ chín chắn, vạch ra cho mình con đường sống trong tương lai.
Đêm đêm, Hường ngủ chung với ‘Mẹ’. Mẹ hay rủ rỉ, chỉ dạy Hường những điều con gái cần học, cần làm. Mẹ bảo ban Hường sửa đổi những thói quen không tốt. Mẹ khuyên nhủ Hường nên nghĩ lại, nên làm hòa với chồng, nên trở về chăm sóc cho con …
Nhiều lắm. Nhiều rất nhiều những điều ‘Bố Mẹ’ đã dạy dỗ, bảo ban Hường….
Bây giờ, Hường cảm thấy mình trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Hường biết nhận ra điều sai lỗi của mình. Nhận ra được chỉ có con đường yêu thương và tha thứ mới đem lại cho Hường hạnh phúc, bình an.
***
Mùa đông ở miền Nam không lạnh như ở ngoài Bắc, quê Hường. Những ngày đón tết đang gần kề.
Cuối năm, nơi đâu cũng vội vã chuẩn bị đón xuân. Hường cảm thây nôn nao và nhớ nhà.
Chưa bao giờ!
Từ ngày bỏ quê nghèo vào Nam sinh sống, Hường chưa bao giờ thấy nhớ nhà. Nhưng nay, sao Hường bỗng nhớ Bố Mẹ, nhớ anh cả, nhớ cô em bé nhỏ ở quê nhà một cách lạ thường. Hường cảm thấy tình gia đình dâng trào mạnh mẽ.
Hường nhớ con. Thằng cu Tí bé bỏng, không biết giờ này ra sao. Hường muốn về với con. Hường muốn ôm ghì lấy con. Muốn hôn lấy hôn để đứa con không biết mẹ là ai!
Hường nghĩ đến Hưng. Ân hận vì những sai lỗi của chính mình. Hường muốn quay về với Hưng. Muốn nói lời xin lỗi chồng. Hường muốn làm lại từ đầu, sửa lại tình yêu đã một lần sai lỗi. Hường không còn cảm giác thù hận chồng, căm ghét đàn ông. Hường ước mơ một gia đình hạnh phúc như gia đình Hường đang được sống chung.
Nửa năm trời qua mau. Hường ở nhà ‘cô ấy’- nhà ‘Bố Mẹ’ đã gần nửa năm. Thời gian ngắn ngủi ấy đủ thức tỉnh con người Hường. Ngần ấy ngày tháng đã đủ giúp Hường suy nghĩ chín chắn hơn. Bấy nhiêu thời gian đủ cho Hường gượng dậy sau lần VẤP NGÃ này.
Tối, trong phòng ngủ, Hường thỏ thẻ ngỏ ý với ‘cô ấy’:
-Mẹ! Con suy nghĩ kỹ rồi!
-Con nghĩ làm sao? Cứ kể cho mẹ nghe!
-Con muốn về! Muốn xin lỗi anh Hưng, được không, Mẹ?!
-Tất nhiên! Mẹ ủng hộ con. Nghĩ như thế là đúng! Can đảm lên, con gái!
Lời khích lệ nhẹ nhàng, êm ái ấy như một liều thuốc bổ đã thấm sâu vào tâm trí Hường, giúp Hường vững tin hơn vào quyêt định của mình.
Hường dứt khoát từ bỏ quá khứ.
Quyết tâm đứng lên,
Trở về,
Làm lại cuộc đời.
***
Ngày chia tay, ‘Cô ấy’ dắt Hường vào phòng riêng. Cô mở ngăn kéo tủ, lấy ra một phong thư trao cho Hường. Cô nói:
-Đây là số tiền con đã đưa cho ‘mẹ’ để phụ vào việc ăn uống trong gia đình. Mẹ nhận rồi! Nhưng hôm nay, mẹ cho lại con để mua quà cho Cu Tí!
Tự nhiên, Hường xúc động ứa nước mắt ra vì sung sướng. Chưa bao giờ Hường lại khóc một cách sung sướng như hôm nay. Hường ôm chầm lấy cô, nghẹn ngào:
-Con cảm ơn “Bố Mẹ”. Đời con không biết bao giờ mới trả hết công ơn Bố Mẹ!
-Đừng nói vậy! Bố Mẹ chỉ làm những gì cần làm, phải làm. Sau này, con cố gắng sống ngoan nhé!
-Dạ! – Hường đáp lại trong hân hoan.
Con sống cho người khác, con sẽ tìm thấy hạnh phúc. Con sống tha thứ và nhịn nhục trong gia đình, nhà con sẽ hạnh phúc.
Dạ! Giọng Hường run run.
… …
Trong đôi mắt hoen mờ ngấn lệ, Hường chợt nhìn thấy tấm hình chụp để trên tủ trang điểm. Tấm hình chụp bán thân một người phụ nữ mặc áo dài trắng, trên vai có dải băng đỏ viền vàng, giống như của các hoa hậu.
Người phụ nữ trong hình có nét mặt rạng rỡ, đôn hậu. Ánh mắt nhìn hiền hòa dễ mến. Người phụ nữ có nụ cười tươi vui như không hề biết buồn. Người phụ nữ ấy là ‘cô’, cô ấy’, là người mẹ thứ hai trong đời Hường. Người đã đưa tay đỡ Hường đứng dậy sau lần bị VẤP NGÃ.
Trong tấm hình, Hường đọc thấy dòng chữ “LEGIO MARIÆ” màu vàng in trên dải băng đeo vai của cô.
Hường không hiểu chữ ấy có nghĩa là gì, nhưng Hường biết chắc một điều là:
Cô sống theo tinh thần của Legio Mariæ, cư xử với Hường bằng tình yêu Legio Mariæ.
Hường yêu mến cô, kính trọng cô.
Cô là thiên thần của Hường, là mẹ của Hường!
Vấp ngã và đứng lên để đi tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét