Nước mắm không thể thiếu trong các món luộc hay gia vị bữa ăn người Việt, bạn quyết định thế nào để có thể tìm được hương vị tuyệt hảo nhất.
Độ đạm quyết định chất lượng nước mắm
Theo tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm thì nước mắm có độ đạm càng cao càng nhiều chất bổ dưỡng và hạn sử dụng càng lâu. Theo đó, nước mắm loại đặc biệt có độ đạm trên 48, loại thượng hạng có độ đạm trên 40, trên 24 là loại 1, trên 16 là loại 2. Nếu nước mắm có độ đạm dưới 10 là thấp và không đạt tiêu chuẩn. Khi nêm hay dùng pha nước chấm, chỉ cần sử dụng nước mắm 25 độ đạm là đã đảm bảo được độ thơm ngon bổ dưỡng của loại gia vị đặc trưng này.
Lưu ý
Trong nước mắm có chứa nhiều chất bổ dưỡng như chất đạm, các loại vitamin A, D và B12 nên khi chế biến, các bà nội trợ cần đặc biệt lưu ý không nên đun nước mắm quá lâu trên bếp sẽ làm biến đổi hương vị nước mắm, lại làm mất đi vị thơm ngon của món ăn.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người tiêu dùng nên chọn nước mắm có màu nâu cánh gián sậm đến nâu vàng, hương thơm nồng, có vị đạm cá nhiều, nước trong, không vẩn đục. Những loại nước mắm khi nêm, nấu có vị mặn gắt và chát ở đầu lưỡi thì đó là nước mắm có độ đạm thấp.
Bên cạnh thông số về độ đạm, người tiêu dùng cũng nên chú ý đến các thông tin khác khi chọn nước mắm như nhà sản xuất, nguồn nguyên liệu, chất phụ gia… Tránh mua các loại nước mắm không có bao bì nhãn mác hoặc nhãn mác không ghi rõ các nội dung bắt buộc như độ đạm.
Món nào mắm đó
Nước mắm tỏi ớt
Từ nước mắm nguyên chất đến bát mắm chấm trong mỗi món ăn là cả sự kỳ công và tinh tế của người nội trợ. Về cơ bản, nước mắm cốt ở cả ba miền đều như nhau, nhưng hương vị bát nước chấm của người miền Bắc, miền Trung và miền Nam lại khác biệt rõ rệt.
Thông thường nước mắm nguyên chất sẽ đuợc pha cùng nước, dấm, đường… tạo nên vị chua cay mặn ngọt và gia giảm thêm một số gia vị tùy thuộc vào từng món ăn, vừa tạo độ đậm đà vừa phải cho món ăn, vừa có tác dụng làm giảm cảm giác ngấy của dầu mỡ đọng lại trong món ăn.
Cách pha chế nước mắm thành nước chấm lại được các bà nội trợ vận dùng khéo léo và kết hợp tinh tế với từng loại gia vị riêng:
- Với món thịt luộc, cá hấp nên dùng nước mắm nguyên chất, không pha loãng, chỉ cho thêm ớt hoặc hạt tiêu, chanh hay quất.
- Một số món rán như món cá rán, nem rán, bánh cuốn, tôm tẩm bột rán… pha chế nước mắm lại là cả một nghệ thuật.
Trong mỗi món ăn, chúng ta cũng có cách nêm nước mắm khác nhau:
- Trong các món canh, nên nêm nước mắm sau cùng rồi bắc ra ngay.
- Riêng với món thịt kho, nhiều người hay có thói quen dùng nước mắm ướp khi thịt còn sống mà không biết rằng nó sẽ làm cho thịt bị cứng, mất đi vị thơm của miếng thịt. Chỉ nên ướp muối, mì chính… vào thịt rồi kho thịt đến khi gần chín, sau đó mới cho nước mắm vào và đun thêm một lát nữa, lúc này nước mắm sẽ làm tăng vị đậm đà cho món thịt kho.
- Đối với món tôm, tép kho cần chú ý tránh dùng nước mắm vì nó sẽ làm mất vị thơm đặc trưng của những loại thực phẩm này
Bí quyết để có được một gia vị tuyệt vời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét